Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết: Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020; Đề án bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã giai đoạn 2014-2020; Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện và các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020
         Ngày 19/01/2021, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết: Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020 (gọi tắt là Chiến lược phát triển thanh niên); Đề án bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã giai đoạn 2014-2020 (gọi tắt là Đề án 567); Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện và các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020 (gọi tắt là Đề án 500). 

         Tham dự Hội nghị, tại điểm cầu Chính phủ có ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực chủ trì hội nghị; Lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng; Lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội: Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Pháp luật, Các vấn đề xã hội; Lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Lãnh đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Lãnh đạo Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

 

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Trà Vinh

 

         Tại điểm cầu tỉnh Trà Vinh có ông Lê Thanh Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; bà Huỳnh Bích Như, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Trà Vinh dự hội nghị. Ngoài ra, tham dự hội nghị trực tuyến còn có đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, đại diện lãnh đạo các sở, ngành tỉnh: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tư pháp, Lao động – Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa  – Thể thao và Du lịch, Tỉnh đoàn, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân và Cơ quan Tổ chức – Nội vụ các huyện, thị xã, thành phố và Ủy ban nhân dân các xã có Đội viên Đề án 500 Trí thức trẻ.

 

Ông Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu khai mạc
Hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ

 

         Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn báo cáo tóm tắt 03 nội dung: Chiến lược phát triển thanh niên, Đề án 567 và Đề án 500; khái quát những kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện, đồng thời, đánh giá những mặt đạt được, những tồn tại, hạn chế và kiến nghị đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương…Cụ thể:

           Về Chiến lược phát triển thanh niên: Thực hiện Quyết định số 2474/QĐ-TTg ngày 30/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; Quyết định số 1042/QĐ-TTg ngày 17/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn II (2016 - 2020), các bộ, ngành, địa phương đã triển khai thực hiện 06 mục tiêu, 08 nhóm chỉ tiêu phát triển thanh niên tại Quyết định số 2474/QĐ-TTg và 29 chỉ tiêu được điều chỉnh, bổ sung tại Quyết định số 1042/QĐ-TTg. Bộ Nội vụ đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện Chiến lược sâu rộng từ trung ương đến cơ sở, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp lãnh đạo, trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của Chiến lược; về vị trí, vai trò của thanh niên trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tổ chức thực hiện Chiến lược. Kết quả đã có 30/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (100%) đã ban hành Chương trình phát triển thanh niên và Kế hoạch triển khai thực hiện, thể hiện bước chuyển biến rõ rệt so với giai đoạn trước đây (2003 - 2010) khi chưa có cơ quan quản lý nhà nước về thanh niên. Các địa phương đã chỉ đạo việc xây dựng Chương trình phát triển thanh niên và Kế hoạch thực hiện đến 100% huyện, quận, thị xã, thành phố và 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh.

           Về Đề án 567: Thời gian qua, Bộ Nội vụ đã chủ động phối hợp với các địa phương triển khai có hiệu quả Đề án. Qua thời gian triển khai thực hiện, Đề án đã bồi dưỡng cho 14.330 cán bộ, công chức trẻ của 2.293 xã, 42 tỉnh trong phạm vi Đề án. Việc triển khai, thực hiện Đề án đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền trong việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức trẻ ở xã thể hiện sự quan tâm của Nhà nước trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trẻ ở xã. Qua bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ, công chức trẻ ở cấp xã đã có lập trường tư tưởng, chính trị vững vàng, trung thành với Đảng và Nhà nước, tận tụy với công việc, gần gũi với nhân dân. Hàng năm được bổ sung về số lượng và phát triển về chất lượng, số được đào tạo, bồi dưỡng ngày càng tăng. Thông qua đào tạo bồi dưỡng, trình độ của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt, đã từng bước được nâng cao. Kết quả của Đề án đã góp phần quan trọng vào việc sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư của Chính phủ, giúp bà con nhân dân tin tưởng vào các cán bộ, công chức trẻ và nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính ở xã.

            Về Đề án 500: Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân 34 tỉnh thuộc phạm vi điều chỉnh của Đề án tổ chức triển khai thực hiện theo tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã phối hợp với các địa phương hoàn thành công tác tuyển chọn 500 Đội viên để bố trí đưa về 500 xã thuộc 163 huyện, 34 tỉnh công tác. Việc thực hiện chế độ chính sách đối với Đội viên Đề án được các tỉnh thực hiện đầy đủ, kịp thời đảm bảo theo đúng quy định Nhà nước và của Đề án, qua đó tạo điều kiện cho các Đội viên an tâm công tác. Các đội viên thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao; phát huy được vai trò tham mưu của công chức chuyên môn trong từng lĩnh vực công tác góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; vận dụng tốt những kiến thức đã được đào tạo, bồi dưỡng vào thực tế góp phần đưa các xã giảm nghèo nhanh và bền vững; chủ động tìm hiểu nắm bắt tình hình thực tế ở địa phương và lắng nghe ý kiến của Nhân dân; luôn khắc phục mọi khó khăn cùng cán bộ, công chức ở địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công. Sau 5 năm về xã công tác, các đội viên đã đề xuất xây dựng, triển khai các đề án phát triển kinh tế - xã hội, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa mới cho bà con Nhân dân. Hằng năm, phần lớn Đội viên đều được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

         Ngoài việc được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, Đội viên sau khi được bố trí về xã công tác được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện cử tham dự lớp bồi dưỡng về sơ cấp chính trị, trung cấp chính trị. Tính đến 30/8/2020, có 141 Đội viên được cử đi học sơ cấp chính trị, có 69 Đội viên được cử đi học trung cấp chính trị nhằm đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và tạo nguồn cán bộ lâu dài cho địa phương. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền các tỉnh cũng đã quan tâm, tạo điều kiện bồi dưỡng, rèn luyện để Đội viên trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến nay, sau 05 năm về xã công tác, đã có 393/500 Đội viên là Đảng viên, 90/500 Đội viên đã tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng và tiếp tục được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, bồi dưỡng để phát triển Đảng. Tính đến nay, có 411 Đội viên Đề án có nhu cầu được bố trí sử dụng. Trong đó, có 121 Đội viên Đề án được địa phương đề xuất dự kiến vị trí bố trí, sử dụng; còn 290 Đội viên Đề án các địa phương chưa có phương án bố trí, sử dụng.

         Sau khi nghe ý kiến thảo luận và phát biểu tham luận của các bộ, ngành, địa phương, Chủ trì Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình biểu dương công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết do Bộ Nội vụ và các đơn vị thuộc Văn phòng Chính phủ phối hợp thực hiện. Đồng thời, Phó Thủ tướng đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức Tổng kết Chiến lược phát triển thanh niên, tổng kết Đề án 567 và Đề án 500 trí thức trẻ tại đơn vị mình một cách khẩn trương, nghiêm túc, bài bản từ cơ sở, bảo đảm thực chất, đúng tiến độ.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Trà Vinh

 

         Kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau:

         Một là, về Chiến lược Phát triển thanh niên Việt Nam: Giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở Tổng kết Chiến lược phát triển thanh niên tại các bộ, ngành, địa phương, đánh giá rõ nét hơn những kết quả, thành công đã đạt được, đồng thời chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong giai đoạn 2011-2020 để có các giải pháp phát huy và khắc phục. Xây dựng Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030 để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong đó tập trung nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện thể chế, nhất là các văn bản quy định chi tiết Luật Thanh niên; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thanh niên, đáp ứng yêu cầu đổi mới sang tạo, ứng dụng khoa học công nghệ cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

         Hai là, về Đề án bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã: Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành địa phương tiếp tục đánh giá toàn diện hơn kết quả triển khai thực hiện Đề án giai đoạn 2014-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 22/4/2014. Để xây dựng kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo, Bộ Nội vụ rà soát kỹ về phạm vi, đối tượng, tránh trùng lặp, trong đó chú ý đến đối tượng cán bộ, công chức trẻ cấp xã ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Quy định rõ về nội dung, chương trình, nguồn kinh phí; tập trung ưu tiên việc bồi dưỡng công nghệ thông tin, tiếng nước ngoài, kỹ năng sống, hoạt động hướng nghiệp, bảo đảm thiết thực, phát huy bản sắc dân tộc, phù hợp với đặc thù địa phương.

         Ba là, về Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1758/QĐ-TTg ngày 30/9/2013: Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá rõ nét về kết quả thực hiện Đề án. Ủy ban nhân dân các tỉnh tập trung quan tâm giải quyết chế độ, chính sách phù hợp cho đội ngũ Đội viên sau khi kết thúc thời hạn công tác 60 tháng, được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên và không bị kỷ luật trong thời gian công tác.

         Đối với những địa phương đã có phương án bố trí, sử dụng Đội viên, Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm đôn đốc, theo dõi việc thực hiện, bảo đảm việc xét tuyển phù hợp với yêu cầu thực tiễn, theo đúng quy định của pháp luật. Đối với những địa phương chưa có phương án bố trí, sử dụng Đội viên, thì cơ bản đồng ý với phương án cho phép Ủy ban nhân dân các tỉnh thuộc phạm vi thực hiện Đề án tiếp tục bố trí cho Đội viên làm việc tại xã theo đúng vị trí công việc đang đảm nhận nhưng không quá 05 năm kể từ khi kết thúc Đề án để có thời gian sắp xếp, bố trí, tuyển dụng phù hợp theo quy định của pháp luật. Việc giải quyết chế độ, chính sách cho Đội viên phải thực hiện dứt điểm trong thời gian này.

         Đối với những Đội viên không có nguyện vọng tiếp tục công tác trong các cơ quan nhà nước thì các tỉnh thuộc phạm vi thực hiện Đề án giải quyết chế độ, chính sách kết thúc hợp đồng theo quy định tại Quyết định số 1758/QĐ-TTg; đồng thời có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với Đội viên không có nguyện vọng công tác trong các cơ quan nhà nước nhưng có nguyện vọng tham gia phát triển kinh tế tại địa phương./.

 

                                                                                                                                                 Tin, ảnh: Hồng Xinh

Tin khác
1 2 3 4 5 
THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 12
  • Hôm nay: 83
  • Trong tuần: 2 916
  • Tất cả: 1590832